Lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh nổi tiếng tại Đồng Tháp. Lăng được thiết kế độc đáo và mang vẻ đẹp tôn nghiêm. Đây chắc chắn sẽ là điểm đến mang nhiều ý nghĩa và nhất định bạn nên ghé qua khi tới Đồng Tháp. Hãy cùng Nụ Cười Mê Kông khám phá những giá trị lịch sử và văn hóa xứng đáng được bảo tồn nơi đây nhé!
Giới thiệu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Tiểu sử cụ Nguyễn Sinh Sắc
Nguyễn Sinh Sắc sinh năm Nhâm Tuất (1862) tại ngôi làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Vào năm Giáp Ngọ (1894), cụ đã đỗ Cử nhân. Sau đó, năm Tân Sửu (1901), cụ đỗ Phó bảng và vào năm 1906 cụ được bổ nhiệm chức “Thừa Biện Bộ Lễ”. Tiếp đến cụ làm Tri phủ lĩnh nhiệm tại Tri huyện Bình Khê (Bình Định).

Trong suốt khoảng thời gian làm quan, Cụ gặp gỡ và kết thâm giao với các nhà nho yêu nước. Cụ luôn luôn đứng về phía dân nghèo và luôn trừng trị bọn cường hào ác bá. Cũng vì thế, do một tên cường hào mà cụ đã bị bắt giam. Cụ bị Triều đình giáng cấp dưới hình thức “cải bổ kinh chức” (tức về làm quan tại kinh đô).
Tư tưởng tiến bộ, giàu lòng yêu nước
Sau đó, cụ từ quan và đi vào các tỉnh phía Nam, tiếp xúc với nhiều người để truyền bá tư tưởng yêu nước. Cụ thường tới làng Hòa An, Cao Lãnh để để dạy học cho trẻ con và bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo. Cụ sống một cuộc đời cao thượng ở đó. Cụ mất vào ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Tỵ và hưởng thọ 67 tuổi tại làng Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc là “một nhà nho yêu nước theo kiểu riêng, chống Pháp không công khai mà lặng lẽ” . Chính bởi lẽ đó mà cụ có ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến các con của Cụ, đặc biệt là Nguyễn Sinh Cung. Chính là vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh của chúng ta. Điều này đã làm nền tảng cho sự phát triển của tư tưởng tiến bộ và tự do.
Vào thời điểm sau này, tư tưởng này đã trở thành một phần quan trọng của phong trào chống áp bức và giải phóng dân tộc khỏi sự cai trị của các nước thuộc địa trên toàn thế giới.
Lịch sử lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Nhằm tưởng nhớ và tôn vinh công ơn lớn lao của cụ Nguyễn Sinh Sắc, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng một khu lăng mộ riêng. Nơi đây trở thành một điểm viếng thăm ý nghĩa cho người dân trong và ngoài tỉnh. Công trình này đã hoàn thành vào năm 1977 và được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia vào năm 1992.
Biểu tượng của lòng biết ơn
Khu di tích lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc không chỉ là nơi để bảo tồn di sản về lịch sử và tư tưởng. Mà đây còn là biểu tượng của lòng biết ơn và tôn kính của nhân dân đối với một nhà nho yêu nước. Đến đây, mọi người có thể thắp nén hương, dâng hoa, và tưởng nhớ cụ Nguyễn Sinh Sắc, người đã đặt nền móng cho những tư tưởng và ý chí độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Đôi nét về lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Nơi này thực sự đã trở thành một nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa quan trọng của tỉnh Đồng Tháp. Lăng cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc không chỉ mang trong mình nét đẹp kiến trúc hiện đại mà còn toát lên sự trang nghiêm và lịch sử đặc biệt. Đến ngày nay, khu di tích này đã trở thành một quần thể di tích lịch sử và văn hóa nổi tiếng ở Đồng Tháp.
Lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở đâu?
Khu lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nằm ở trung tâm thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cụ thể là số 123/1 đường Phạm Hữu Lầu, phường 4. Đây là một điểm đến quan trọng, thu hút sự quan tâm của du khách và người dân địa phương.
Khu lăng mộ này trở thành một nơi linh thiêng để tưởng nhớ và vinh danh tinh thần cao cả của cụ. Du khách đến viếng thăm với lòng tôn kính và tri ân một nhà nho tuyệt vời, một tượng đài của tình yêu nước và lòng thương dân.

Kiến trúc đặc biệt của khu di tích lăng cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc
Khu di tích lịch sử lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được chia thành 4 khu vực. Bao gồm: khu vực lăng mộ, đền thờ và nhà trưng bày; khu vực nhà sàn Bác Hồ và vườn ao cá; mô hình làng văn hóa Hòa An xưa và khu vực tổ chức hội trò chơi dân gian, giải trí.
Phía trước khu vực lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Ở phía trước khu vực lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là đỉnh trầm có tạc hình hoa sen búp được làm bằng đá cẩm thạch. Ngay cạnh đó là Hồ Sen nổi bật với hình dáng ngôi sao năm cánh. Tượng trưng cho đất nước Việt Nam. Trung tâm hồ là đài sen trắng cao 6,5m biểu trưng cho cuộc đời trong sạch của Nguyễn Sinh Sắc. và cũng là biểu tượng đại diện quê hương Đồng Tháp nơi đây.

Các công trình kiến trúc trong khu lăng cụ Nguyễn Sinh Sắc được thiết kế độc lập nhưng vô cùng hài hòa. Xung quanh lăng cụ, cây sen hồng nở rộ và những cây cổ thụ xanh mướt tạo nên một không gian thơ mộng. Tạo cảm giác yên bình, thanh tịnh đến lạ.
Khu vực lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Khu di tích lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc màu trắng làm chủ đạo, tạo cảm giác yên bình và thư thái cho những người viếng thăm. Lăng cụ Phó Bảng được xây dựng với rất kỳ công và bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc. Ngôi mộ này được lát bằng đá hoa cương. Nấm mộ màu xám tro nằm trên nền đá mài trắng, hình lục giác mở rộng ra hai bên và phía trước.

Ở hướng Đông là vòm của mộ có hình dáng của một bàn tay úp xuống, tạo nên một hình ảnh tượng trưng độc đáo. Phía trên của vòm là 9 con rồng được thiết kế vô cùng tinh tế và mang nét đặc trưng của nghệ thuật dân gian. Chúng vươn ra thành 9 đầu hồi.
Điều này tượng trưng cho tình thần đoàn kết và bảo vệ của nhân dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đối với cụ Phó Bảng. Ngoài ra, còn thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn đối với nhà nho đáng kính.
Khu nhà lưu niệm – lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Bên trong lăng mộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc, bạn có thể thấy nhiều hiện vật và tư liệu quý báu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của cụ, đặc biệt là thời kỳ cụ ở Cao Lãnh. Tại đây, một cách chân thực, được tái hiện từng giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của cụ Phó Bảng.

Những tư liệu về các giai đoạn trong cuộc đời, những năm tháng khổ luyện, những tư tưởng yêu nước. Bao gồm cả tình cảm mến thương của cụ dành cho nhân dân Hòa An. Và tình cảm của nhân dân đối với cụ. Đó đều là những thứ vô giá sẽ còn mãi với thời gian.
Nhà sàn Bác Hồ – lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Nhà sàn Bác Hồ tại Khu di tích lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc là một điểm nổi bật và đặc biệt trong khuôn viên này. Việc phục chế nguyên mẫu ngôi nhà sàn của Bác Hồ ở thủ đô Hà Nội đã tạo ra một trải nghiệm đặc biệt cho du khách. Tại đây, những hiện vật được tái hiện và sắp xếp một cách chân thực.

Du khách đến thăm có cơ hội cảm nhận và hình dung cuộc sống thanh đạm của Bác Hồ, từ góc làm việc đến nơi nghỉ ngơi. Nơi đây được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia vào ngày 09/04/1992.
Đền thờ nằm trong khu tưởng niệm lăng cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc
Xa Xa chếch về phía trái vòm chính là khu vực đền thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Nơi này mái được lợp ngói âm dương đỏ, nền nhà lát đá hoa cương sẫm màu. Tượng cụ Nguyễn Sinh Sắc đặt ở gian giữa. Bên cạnh đó có chiếc bàn gỗ được chạm trổ tỉ mỉ dùng để đặt đồ thờ cúng. Thiết kế và trang trí đền thờ toát lên vẻ trang trọng, ấm cúng và thiêng liêng.

Trong khuôn viên lăng mộ, trồng rất nhiều nhiều loại cây cảnh xanh tươi 4 mùa. Đặc biệt ở đó có cây khế đã gần 300 tuổi nằm bên trái mộ. Cây sộp hơn 300 tuổi nằm bên phải mộ.
Lễ giỗ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc
Lễ giỗ cụ Phó Bảng vào ngày 28 tháng 10 âm lịch hàng năm tại tỉnh Đồng Tháp. Đây là một sự kiện quan trọng trong nền văn hóa và lịch sử của khu vực. Hơn 100 nghìn lượt du khách từ khắp nơi đến tham quan và viếng thăm lăng mộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Những lượt viếng thăm của du khách thập phương và địa phương thể hiện đạo lý về tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Đây cũng là cách người dân thể hiện lòng kính trọng và tôn vinh đối với một nhân vật quan trọng trong lịch sử. Điều này duy trì và gìn giữ bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Cũng như thể hiện tình yêu quê hương và lòng biết ơn đối với cha ông đóng góp cho đất nước.
Tái hiện một góc làng Hòa An ngày xưa – lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Tái hiện không gian văn hóa làng Hòa An tại Khu di tích lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc là một phần quan trọng trong việc bảo tồn và truyền bá di sản văn hóa của khu vực này. Diện tích rộng lớn, hơn 22.000 mét vuông, minh họa rõ nét phong phú và đa dạng của cuộc sống làng quê nơi đây vào đầu thế kỷ XX. Từ những ngôi nhà truyền thống, hàng dừa, cây cầu khỉ, … Và những hoạt động sản xuất, sinh hoạt đều hiện lên rõ nét.

Hình ảnh sinh hoạt
Những hình ảnh về sinh hoạt của các làng nghề tiêu biểu của người dân Hòa An trong quá khứ cũng được tái hiện rõ ràng. Nghề trồng và xắt thuốc lá, nghề mộc, nghề dệt hay cả nghề rèn, …. Những nghề truyền thống này không chỉ thể hiện sự sáng tạo và bản sắc văn hóa của người dân Hòa An. Mà còn lưu giữ những giá trị kinh tế và xã hội quan trọng trong quá khứ của khu vực này.
Lưu ý khi thăm khu di tích lịch sử lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
- Giá vé: Miễn phí
- Thời gian tham quan tại một điểm: 120 phút
- Giờ mở cửa: 7h00 – 18h (từ thứ Hai đến Chủ nhật)
Trang phục vào thăm lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Bạn nên mặc đồ trang nghiêm, kín đáo để thể hiện sự tôn kính tại nơi thiêng liêng. Ngoài ra, bạn hãy trang bị riêng cho bản thân ô, mũ, áo khoác, kem chống nắng nhé.

Khu di tích lịch sử lăng cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc là nơi thiêng liêng thể hiện sự tôn kính và lòng yêu mến với cụ. Nơi đây còn được coi là một bảo tàng sống về cuộc sống và văn hóa của người dân Đồng Tháp xa xưa. Khu di tích này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và truyền bá di sản văn hóa của vùng Đồng Tháp và của cả nước. Sau khi đọc bài thuyết minh về lăng cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc của Nụ Cười Mê Kông, mong bạn sẽ có chuyến thăm đầy bổ ích.
Nguồn tham khảo:https://vi.wikipedia.org/