Chùa Núi Một (Vân Sơn tự) là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng tại Côn Đảo. Nơi đây thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan mỗi năm không chỉ vì sự linh thiêng mà còn bởi cảnh quan tuyệt đẹp. Hãy cùng theo chân Nụ Cười Mê Kông khám phá ngôi chùa này nhé!

Đôi nét về Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự)

Chùa Núi Một ở đâu?

Vị trí chùa Núi Một Côn Đảo
Chùa Núi Một cách thị trấn Côn Đảo khoảng 1,6km và cũng khá gần với các địa điểm du lịch khác
Địa chỉ: núi Một, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách trung tâm thị trấn Côn Đảo khoảng 1,6km.
Tọa lạc trên ngọn Núi Một cao 300 mét so với mực nước biển, chùa Núi Một có vị trí rất đắc địa: lưng chùa dựa vào núi, mặt hướng ra vịnh Côn Sơn và Hồ Sen An Hải. Nơi đây được chính quyền Sài Gòn cũ khởi công xây dựng vào năm 1964. Sau khi giải phóng cho đến nay, chùa là nơi thờ Phật và cúng bái các anh hùng liệt sĩ  của người dân nơi đây.
Ngôi chùa được chính quyền địa phương xây dựng và tôn tạo lại bằng nguồn vốn xã hội hóa. Với mục đích là phát huy giá trị di tích lịch sử để địa danh này trở thành một điểm danh lam – thắng cảnh, phục vụ nhu cầu về văn hóa, tinh thần của nhân dân. Vào ngày 04/12/2009, chùa Núi Một ở Côn Đảo đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng cấp tỉnh.
Vị trí chùa Núi Một nhìn từ trên cao
Vị trí chùa Núi Một nhìn từ trên cao

Lịch sử hình thành chùa Núi Một

Khi mới được xây dựng, chùa là nơi để các gia đình viên chức chế độ cũ, các binh lính làm việc tại đảo theo đạo Phật cúng bái, tín ngưỡng. Ngoài ra, chùa còn được xây với mục đích mị dân, che mắt dư luận trong và ngoài nước về sự cai trị tù túng, tàn nhẫn của chế độ Mỹ ngụy đối với tù chính trị bị giam cầm trên đảo lúc bấy giờ.
Vào năm 1965, để tiết kiệm kinh phí và nhân lực xây chùa, chính quyền Sài Gòn cũ đã bắt ép những người tù chung thân ở trại giam số 2 (Phú Hải) đi xây chùa. Những tù nhân này phải khuân vác nguyên vật liệu xây dựng từ dưới chân lên đến đỉnh núi rất khó khăn và gian khổ. Dù phản đối rất quyết liệt nhưng đã có 63 tù nhân bị chết vì bệnh và vì quá khổ cực khi xây chùa. Họ đã được chôn cất tại nghĩa trang Hàng Dương.
Đến năm 1975, sau khi Côn Đảo được giải phóng, chùa Núi Một trở thành nơi thờ Phật của người dân trên đảo. Và nhờ sự tài trợ của các nhà hảo tâm cùng nhân dân trên đảo, chùa được tu sửa, tôn tạo và hoàn thiện vào ngày 3 tháng 12 năm 2011.
Chùa Núi một ở côn đảo
Chính quyền, các nhà hảo tâm và người dân quanh đảo tôn tạo, trùng tu lại ngôi chùa để phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần

Đặc điểm kiến trúc của Chùa Núi Một

Chùa Núi Một được xây theo kiểu “chữ tam” với motif kiến trúc Thiền của phái Trúc Lâm Yên Tử – lối kiến trúc đậm nét của Phật Giáo Á Đông. Với diện tích quần thể chùa là 19.434 mét vuông, khuôn viên chùa bao gồm những hạng mục như: Cổng chào, Gác chuông, miếu Địa Tạng, tượng Phật Bà Quan Âm, miếu Sơn Thần, nhà thờ Tổ…
Đường lên vân sơn tự
Đường bậc thang dẫn lên chùa
Để lên đến được chùa, du khách cần vượt qua hơn 200 bậc thang dốc núi. Trước chùa là tượng Quan Âm Bồ Tát cao hơn 2 mét đứng trên đài sen, tay cầm bình nước cam lộ. Tiếp tục bước vào khuôn viên chùa, du khách sẽ thấy được các cột gỗ to, bề thế với những đường nét điêu khắc được trạm trổ tinh tế.
Chính điện nằm ở vị trí trung tâm, phía sau là khu nhà thờ Tổ, phía trước là lầu khánh, 2 bên là lầu chuông, lầu trống… Vật liệu chủ yếu tại chùa là danh mộc. Ngôi chính điện được thiết kế hai mái, lợp ngói lá đề, bốn góc là mái đao cách điệu hình mây cuộn, cong vút lên trời cao. Đặc biệt, cũng tương tự các chùa của phái Trúc Lâm, các đại tự, hoành phi, câu đối đều được thể hiện bằng chữ Việt. Tất cả chi tiết đều ẩn chứa triết lý của đạo Phật vô cùng độc đáo.
Tham quan chùa Núi một ở côn đảo
Nhìn toàn cảnh, chùa được xây theo kiểu chữ tam, đậm nét kiến trúc của Phật Giáo Á Đông

Chùa Núi Một có gì đặc biệt?

Cảnh đẹp làm nao lòng người

Những điều làm nên sự đặc biệt, thu hút du khách gần xa của Chùa Núi Một đó là kiến trúc độc đáo. Bên cạnh đó, chùa còn có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt như tượng Phật A Di Đà, tượng Quan Âm… Chùa có vị trí cao, nằm trên lưng chừng núi và hướng mặt ra vịnh Côn Sơn. Bởi vì lưng dựa núi, ba mặt còn lại đều có tầm nhìn rất đẹp nên từ đỉnh chùa phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể thấy được quang cảnh toàn Côn Đảo. Bầu trời và mặt biển trong xanh tạo nên một hướng nhìn hoàn hảo với bức tranh thiên nhiên tuyệt vời.
Ngoài ra, du khách khi đến với chùa đều tin rằng những ai thành tâm, không ngại khó khăn vượt qua 200 bậc thang thì sẽ được chư Phật cùng các vị anh hùng liệt sĩ phù hộ. Nhờ đó, người đến viếng chùa sẽ cảm thấy thanh tịnh và vơi đi những lo toan của cuộc sống thường ngày.
Dáng vẻ trầm tĩnh, an yên của chùa
Dáng vẻ trầm tĩnh, yên bình của chùa sẽ khiến du khách khi viếng thăm cảm thấy an yên
Nếu như vào ban ngày, chùa có rất đông khách du lịch đến cầu nguyện và lễ Phật, thì vào buổi tối chỉ có một số người dân địa phương tới dâng lễ rồi ra về. Chính vì vậy, buổi tối tại chùa cực kỳ yên tĩnh và rất thơ mộng. Nếu có dịp, quý du khách hãy thử ngắm cảnh chùa vào ban đêm, đây sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời.

Đến chùa Núi Một để tri ân những người có công với đất nước

Chùa thờ Phật, các vị bồ tát và các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước. Khi đến chùa Núi Một, ngoài việc thành tâm khấn vái Phật trời, du khách còn được dịp tưởng nhớ những người chiến đã hi sinh vì độc lập và tự do của Tổ Quốc. Ngôi chùa là chứng nhân lịch sử đã chứng kiến chế độ cai trị bạo tàn của kẻ thù đối với những tù nhân chính trị tại nhà tù Côn Đảo.
Chính bởi vì những gian khổ hi sinh mà các anh hùng đã phải chịu đựng và trải qua, nhưng họ vẫn một lòng kiên cường, không hề khuất phục trước kẻ thù đã giúp mọi người hôm nay có một cuộc sống hòa bình, tươi đẹp.
Trải qua nhiều năm tháng khói lửa chiến tranh và nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, chùa Núi Một hiện nay là nơi để người dân tại đảo và du khách tới cầu nguyện bình an và tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc.
Chùa vân sơn tự ở côn đảo
Du khách còn đến chùa để tưởng nhớ các anh hùng có công với đất nước

Cách di chuyển đến Chùa Núi Một Côn Đảo

Để thăm quan chùa Núi Một, trước hết du khách phải đi bến Côn Đảo bằng máy bay hoặc tàu cao tốc. Tuyến đường biển, có các chuyến tàu đi đến Cảng Bến Đầm Côn Đảo như:
  • Cảng Cầu Đá (Vũng Tàu) – Côn Đảo
  • Bến Ninh Kiều (Cần Thơ) – Côn Đảo
  • Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) – Côn Đảo
  • Bến tàu cao tốc Bạch Đằng (Thành phố Hồ Chí Minh) – Côn Đảo
Bên cạnh đó, các tuyến đường bay từ các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Cần Thơ cũng phục vụ các chuyến bay đến Côn Đảo.
Chùa có vị trí cách Cảng Bến Đầm khoảng 10,5 km và cách sân bay Côn Đảo khoảng 20km. Nếu du khách xuất phát từ bến cảng tàu cao tốc thì có thể di chuyển theo tuyến đường từ Bến Đầm qua nhiều điểm tham quan khác như Miếu Năm Cô, Mũi Cá Mập, Bãi Đá Trắng rồi đến Chùa Núi Một. Nếu du khách khởi hành từ sân bay thì chạy đường Cỏ Ống về hướng đường Tôn Đức Thắng, sau đó đi vào đường Nguyễn Đức Thuận là đến được chùa.
Cổng chùa núi một côn đảo
Cổng chùa Núi Một
Khi đến chân núi, du khách có 2 cách để lên chùa:
  • Một là đi bộ lên 200 bậc thang
  • Hai là chạy xe máy lên chùa bằng tuyến đường ở gần cổng chùa.

Nên đến Chùa Núi Một vào thời điểm nào trong năm?

Thời gian tốt nhất trong năm để đi đến chùa Núi Một Côn Đảo là từ ra Tết nguyên đán đến hết mùa hè (từ tháng 3 đến tháng 9 dương lịch). Tuy thời điểm này vẫn còn là mùa mưa nhưng lúc này biển êm, gió nhỏ, khá thuận lợi cho việc di chuyển. Các trận mưa thường kéo dài không quá 1 giờ, những khoảng thời gian khác trong ngày vẫn có nắng, thích hợp cho việc thăm viếng và ngắm cảnh chùa.
Giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, mặc dù vùng biển Côn Đảo thường có sóng lớn nhưng vì là mùa khô nên du khách có dịp được ngắm nhìn trời xanh và ánh nắng chan hòa.
Thời điểm để tham qua chùa
Hầu hết thời gian trong năm du khách đều có thể viếng thăm Chùa Núi Một cũng như du lịch quanh Côn Đảo

Lưu ý khi đến viếng thăm Chùa Núi Một ở Côn Đảo

Khi đến tham quan chùa Núi Một, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
  • Nên chọn trang phục lịch sự, kín đáo, nhã nhặn khi đi tham quan, cúng viếng tại chùa.
  • Cần giữ gìn vệ sinh nơi trang nghiêm, tránh xả rác bừa bãi.
  • Không đùa giỡn, làm mất trật tự khu vực linh thiêng.
  • Tuân thủ theo đúng quy định của chùa.

Cần chuẩn bị gì cho chuyến đi lễ chùa Núi Một ở Côn Đảo?

Để đi đến địa điểm tâm linh này một cách ý nghĩa và trọn vẹn nhất, du khách cần chuẩn bị cho mình một số hành trang như sau:
  • Nên đặt vé máy bay hoặc vé tàu trước chuyến đi khoảng 1 tháng để tránh trường hợp hết vé, làm lỡ kế hoạch.
  • Đặt phòng khách sạn trước nếu du khách đi vào thời điểm có nhiều người đến du lịch ở Côn Đảo hoặc những khi có lễ hội lớn.
  • Cần mang theo thuốc chống muỗi, chống côn trùng, áo mưa, ô, kem chống nắng…
  • Nên chuẩn bị sẵn tiền mặt vì trên đảo chỉ có 2 cây ATM rút tiền.
  • Mang theo đầy pin dự phòng, sạc điện thoại để không bị bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc và kỷ niệm tuyệt đẹp nào tại đây.
Chùa Núi Một Vân Sơn Tự là một địa điểm du lịch tâm linh trứ danh tại Côn Đảo. Khi đến đây, du khách không chỉ được khám phá kiến trúc độc đáo mà còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử của ngôi chùa và nhìn lại quá khứ hào hùng một thời của ông cha ta trong việc bảo vệ đất nước. Nếu bạn ấn tượng với ngôi chùa độc đáo này, hãy thêm chùa Núi Một vào danh sách những địa điểm nên viếng thăm trong tương lai gần nhé!
Gợi ý các tour du lịch đến Côn Đảo được nhiều người lựa chọn nhất:
Đánh giá post