Chùa Dơi là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại tỉnh Sóc Trăng. Ngoài những kiến trúc độc đáo và văn hóa đặc trưng của người Khmer, chùa Dơi còn có nhiều truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn khác. Cùng Nụ Cười Mê Kông tìm hiểu về địa điểm đặc biệt này nhé!

Giới thiệu về chùa Dơi

Vị trí chùa Dơi

Chùa Dơi hay còn gọi chùa Mã Tộc hoặc chùa Mahatúp, nằm trên đường Văn Ngọc Chính, Phường 3, TP. Sóc Trăng. Thời gian mở cửa từ 7h30 đến 18h00 hàng ngày.
Sở dĩ chùa có cái tên đặc biệt này là vì nơi đây là nơi trú ngụ của rất nhiều dơi. Chùa Dơi thành phố Sóc Trăng là không gian văn hóa duy nhất của cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ ở tỉnh Sóc Trăng thờ Phật Thích Ca.

Lịch sử hình thành chùa

Theo thư tịch: Chùa Dơi được xây dựng vào năm 1569, tức là cách đây hơn 450 năm. Thời gian đầu, ngôi chính điện của nhà chùa chỉ được dựng bằng tre lá, sau đó mới được xây lại bằng gạch và lợp mái ngói. Vào năm 1960, chánh điện của chùa được trùng tu lớn và rất khang trang, đẹp đẽ. Đến nay, chùa Dơi đã trải qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo mới có dáng vẻ như hiện nay.
Từ năm 1999, chùa Dơi đã được Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Năm 2008, có một sự việc không may xảy ra khiến chùa bị cháy tại khu vực chánh điện. Nhưng vào tháng 4/2009, chánh điện của chùa đã được phục chế lại như ban đầu. Cho đến nay, chính quyền tỉnh Sóc Trăng vẫn đang có các chính sách bảo tồn và tôn tạo nơi đây để vừa phục vụ giáo dục tín ngưỡng, vừa là điểm du lịch quen thuộc của người dân trong tỉnh và khách du lịch gần xa.
Chùa dơi ở sóc trăng
Ngôi chùa cổ được xây dựng cách đây hơn 450 năm

Đặc điểm kiến trúc của chùa Dơi

Chùa Dơi có diện tích khuôn viên khoảng 4 hecta, bao gồm nhiều khu vực như: Chánh điện, Sala, phòng của sư sãi và trụ trì, khu ở của tín đồ, phòng khách, các tháp để tro người chết… Tuy nơi đây thờ Phật Thích Ca nhưng kiến trúc vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ văn hóa Khmer. Tông màu chủ đạo của chùa là màu vàng cam – màu sắc đặc trưng của dân tộc Khmer, rất nổi bật trong không gian xanh ngắt của cây cối.
Kiến trúc chùa dơi Sóc trăng
Khuôn viên chùa rất rộng rãi và rợp bóng mát của các cây cổ thụ
Chùa lợp mái ngói có bốn đầu cong vút chạm trổ hình rắn Naga, trên đỉnh mái có tháp nhọn. Bao quanh khu chánh điện là những hàng cột đỡ, mỗi cây cột có một tượng tiên nữ Kâyno chắp hai tay trước ngực. Trong khu chánh điện có pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối được đặt trên một tòa sen cao khoảng 2m. Cạnh đó là một pho tượng miêu tả Đức Phật đang cưỡi trên rắn thần Muchalinda. Ngoài ra, trên cách vách tường là những tranh miêu tả cặn kẽ về cuộc đời đức Phật được vẽ rất tỉ mỉ, công phu.
Những hiện vật quý hiếm tại chùa Dơi như: các bộ kinh cổ ghi trên lá cây thốt nốt, đèn dầu cổ, nhạc cụ truyền thống… mang giá trị rất đặc sắc về văn hóa tín ngưỡng của người dân Khmer nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung.

Bí ẩn về loài Dơi khổng lồ ở chùa

Ngoài những kiến trúc độc đáo và lịch sử gần 500 năm thì nơi đây còn rất nổi tiếng với những bầy dơi trú ẩn. Những câu chuyện đặc sắc về loài dơi đã làm nên cái tên của ngôi chùa trong lòng người dân tứ xứ. Khuôn viên chùa có rất nhiều cây sao và cây dầu, đây là nơi trú ẩn của hàng vạn con dơi. Cứ mỗi buổi chiều, dơi sẽ kéo về chùa che kín rợp cả bầu trời. Khác với tâm lí sợ sệt loài dơi của mọi người, các vị sư ở đây cho rằng việc dơi sống ở quanh chùa là phúc lành nên họ rất tích cực bảo vệ bầy dơi.
chùa dơi ở thành phố sóc trăng
Tên gọi của ngôi chùa cũng bắt nguồn từ hàng ngàn con dơi trú ngụ tại đây
Được biết, dơi ở chùa cũng rất đặc biệt, chúng không ăn trái cây trong chùa và cả của những hộ dân lân cận mà chúng thường bay đi kiếm ăn rất xa. Đặc biệt, khi di chuyển, dơi không bao giờ bay thẳng qua nóc ngôi chính điện của chùa.
Mặc dù ở tỉnh Sóc Trăng cũng có rất nhiều ngôi chùa thanh tịnh khác với vườn cây cổ thụ nhưng bầy dơi này chỉ chọn chùa Dơi Sóc Trăng làm nơi trú ngụ là điều dường như vẫn còn bí ẩn. Chúng chỉ đậu ở những tán cây trong khuôn viên chùa và tuyệt nhiên không đậu ở bên ngoài. Cho đến nay, chưa có bất kì giải thích hay giả thuyết nào đưa ra để giải đáp hiện tượng này. Đó cũng là điều cực kỳ đặc biệt, khiến nhiều người truyền tai nhau và không khỏi hào hứng muốn đến chùa để tận mắt chứng kiến câu chuyện trên.
Chùa dơi và những câu chuyện bí ẩn
Dơi chỉ sống trên các cây cao trong chùa chứ không đậu bên ngoài 

Truyền thuyết về heo năm móng

Tại chùa Dơi Sóc Trăng còn có những ngôi mộ kỳ lạ, trên mộ có vẽ hình một con heo. Đây là những con heo 5 móng được các nhà sư trong chùa nuôi, khi chết chúng được chôn tại đây.
Những con heo thông thường chỉ có 3 móng, nhưng theo người Khmer, heo 5 móng rất bất thường, vì chúng là “khắc tinh” của con người. Nhà nào có heo 5 móng thì chúng sẽ thường xuyên quấy phá khiến gia đình xảy ra lục đục, xúi quẩy và bất hạnh. Vì vậy, từ hơn 30 năm trước, nếu nhà nào có heo 5 móng sẽ gửi vào chùa nhờ trông nom, chăm sóc.

Cách di chuyển đến chùa Dơi

Di chuyển từ Hà Nội vào thành phố Cần Thơ

Đối với những du khách ở miền Bắc hoặc miền Trung, sẽ thường phải qua 2 chặng đường đi chuyển. Du khách di chuyển bằng máy bay đến Cần Thơ, sau đó di chuyển bằng xe hơi hoặc xe khách đến Sóc Trăng. Tổng hành trình sẽ mất khoảng 3 – 4 tiếng.

Di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng

Sóc Trăng cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 230 km. Với cự li này, xe khách là một lựa chọn khá hợp lý cho chuyến đi, chi phí khoảng 200 ngàn/lượt/người. Một số hãng xe nổi tiếng có tuyến đường Thành phố Hồ Chí Minh – Sóc Trăng như: Phương Trang, Thành Bưởi… Tổng thời gian di chuyển khoảng 4 – 5 tiếng.

Di chuyển từ thành phố Cần Thơ đến Sóc Trăng

Việc kết hợp tham quan Cần Thơ – Sóc Trăng cũng là một hành trình lý tưởng cho du khách. Quãng đường từ Cần Thơ đến Sóc Trăng có tổng chiều dài khoảng 60 km. Từ thành phố Cần Thơ, du khách có thể thuê xe máy, xe ô tô hoặc đi xe khách theo hướng QL1A qua khỏi địa phận tỉnh Hậu Giang là đến địa phận tỉnh Sóc Trăng. Thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng 30 phút.

Cách di chuyển từ Sóc Trăng đến Chùa Dơi

Từ trung tâm thành phố Sóc Trăng, để tìm được chùa Dơi Sóc Trăng, khách du lịch có thể di chuyển theo các hướng sau:
  • Đi về hướng Nam khoảng 800 mét, qua khỏi đường Hai Ba Trưng, tại vòng xuyến rẽ vào đường Lê Hồng Phong và chạy khoảng 900 mét rồi rẽ phải vào đường Văn Ngọc Chính khoảng 1 km là đến.
  • Đi từ Quốc lộ 1A, rẽ trái vào đường Phú Lợi, chạy thẳng qua vòng xoay vào đường Lê Duẩn, tại vòng xoay rẽ phải vào đường Lê Hồng Phong rồi vào đường Văn Ngọc Chính.
Giới thiệu về chùa dơi
Cổng chào Chùa Dơi

Nên đến chùa Dơi vào thời điểm nào trong năm?

Thời tiết ở Sóc Trăng khá dễ chịu nên du khách có thể ghé Chùa Dơi bất kỳ thời điểm nào trong năm. Khí hậu ở đây chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) và mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10). Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 26 độ C và Sóc Trăng rất ít khi có bão, lũ.
Đặc biệt, có thời điểm tốt nhất để du lịch Sóc Trăng chính là lúc diễn ra lễ hội Ooc Om Bok – lễ hội lớn nhất của cộng đồng người Khmer. Ooc Om Bok diễn ra vào tháng 10 âm lịch hàng năm, còn gọi là lễ cúng trăng, người Khmer thường tổ chức khi kết thúc vụ mùa. Có rất nhiều hoạt động vui nhộn, sôi nổi diễn ra vào dịp này như đua ghe ngo, thả hoa đăng… Ngoài ra, du khách còn được dịp thưởng thức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như biểu diễn múa Rô-băm, múa Dù kê, trình diễn trang phục Khmer…
Đua ghe ngo
Lễ hội Ok Om Bok thường được diễn ra vào tháng 10 âm lịch hàng năm

Nên mua gì khi du lịch tại Chùa Dơi ở Sóc Trăng?

Nếu đã có cơ hội đến du lịch Sóc Trăng, du khách đừng bỏ qua các loại đặc sản địa phương. Tại Sóc Trăng, có những món ăn đặc sản rất đặc trưng như:

Bánh Pía

Khi nhắc đến đặc sản Sóc Trăng mang về làm quà thì không thể không nhắc đến bánh pía. Bánh có nhiều lớp da, bên trong là nhân đậu xanh, sầu riêng và trứng muối thơm, béo ngọt hòa quyện rất đặc biệt.
Ngày nay, bánh pía có nhiều phiên bản nhân bên trong khác nhau tùy vào sở thích của khách hàng. Ngoài bánh pía, du khách còn có thể lựa chọn các loại bánh ngọt khác như: bánh in, mè láo, bánh phồng tôm…
Bánh pía sóc trăng
Bánh Pía là một đặc sản nổi tiếng của Sóc Trăng

Lạp xưởng Vũng Thơm

Ngoài bánh pía thì lạp xưởng Vũng Thơm cũng cực kỳ nổi tiếng bởi hương vị khó tìm ở những nơi khác. Đặc biệt, lạp xưởng gia truyền ở Vũng Thơm có rất nhiều loại khác nhau phù hợp với nhiều vị giác của người dùng. Những loại lạp xưởng nổi tiếng ở Vũng Thơm như: lạp xưởng thịt, lạp xưởng gà, lạp xưởng tôm, lạp xưởng vịt…
Đặc sản Sóc Trăng
Lạp xưởng Vũng Thơm rất thích hợp làm quà cho người thân và bạn bè

Khô trâu Thạnh Trị

Khô trâu Thạnh Trị nổi tiếng vì chắc thịt, mềm, thơm mà không bị khô. Thịt trâu là một loại thực phẩm bổ dưỡng, khi tẩm ướp thêm gia vị đặc trưng sẽ trở thành một món ngon khó cưỡng. Khô trâu chắc chắn là một món ăn quý, thích hợp làm quà để tặng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…
Mua khô trâu thạnh trị khi đi chùa dơi
Khô trâu Thạnh Trị có hương vị thơm ngon đặc trưng

Lưu ý khi đến tham quan tại Chùa Dơi Sóc Trăng

Khi đến chùa Dơi tham quan, du khách cần lưu ý một số điều sau đây:
  • Nên chọn trang phục lịch sự, kín đáo. Vào khuôn viên chùa cần giữ trật tự, không đùa giỡn, to tiếng, không vứt rác bừa bãi, ngắt cây, bẻ cành…
  • Vào ban ngày, dơi thường treo người trên các cành cây cao sau chùa và khá thân thiện, du khách có thể đến gần để quan sát. Tuy nhiên, không nên ném đá, chọc phá dơi trên cành cao.
  • Ngoài ra, nếu du khách ấn tượng với kiến trúc và muốn lưu giữ lại những khoảng khắc đẹp tại đây thì có thể thuê trang phục truyền thống của người Khmer tại thành phố Sóc Trăng. Giá thuê trang phục dao động khoảng 150 ngàn đến 250 ngàn.
Lưu ý khi tham quan chùa Dơi
Du khách có thể thuê trang phục của người Khmer để check-in tại chùa
Chùa Dơi ở Sóc Trăng với lịch sử gần 500 năm, những kiến trúc độc đáo và những câu chuyện bí đã kéo chân hàng vạn du khách mỗi năm. Nếu bạn dự định khám phá miền Tây thì đừng quên ghé thăm ngôi chùa đặc biệt này nhé!
Gợi ý tour du lịch Sóc Trăng được nhiều du khách yêu thích:

Nguồn tham khảo: https://vi.wikipedia.org

Đánh giá post